Phía Tây không có gì lạ
Vietnamese

Phía Tây không có gì lạ

by

literature

Phía Tây không có gì lạ là tác phẩm tạo nên tên tuổi của Remarque, một tiểu thuyết xuất sắc về đề tài Chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc chiến mà ông đã đi qua và bị ám ảnh bởi nó. Khác với cuộc Thế chiến tiếp theo, chiến tranh đầu thế kỉ hai mươi vẫn còn tương đối thô sơ với ngựa và lưỡi lê, có khác hơn một chút với sự xuất hiện của những cỗ xe tăng cuối cuộc chiến. Dù vậy (hoặc chính bởi vì vậy), chiến trường vẫn là một địa ngục thực sự với những chàng trai tuổi chưa đến hai mươi, vừa bước ra từ trường học. Những cậu thanh niên nhỏ xíu vác trên người bộ quân phục rộng thùng thình. Cởi bộ quân phục ra, họ lại trở thành những chàng trai chỉ vừa qua độ tuổi trẻ con.

Bằng kí ức của những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, Remarque đã dễ dàng miêu tả cuộc sống của những chiến sĩ Đức trên tuyến đầu: món đậu hầm chán ngắt, những ván bài qua ngày, những trò chơi khăm cấp trên và cả những vi phạm nho nhỏ vào quy tắc để kiếm được một bữa ăn ra trò. Ông miêu tả những chàng thanh niên ra thanh niên: trẻ trung, khỏe mạnh và, theo một nghĩa nào đó, lạc quan.

Nhưng họ đâu phải những chàng đôi mươi bình thường. Nhân vật chính, Paul, tự trào phúng gọi bản thân là những anh lính cựu trào và thực vậy, họ đã sống qua ba năm trên chiến trường. Mở đầu câu chuyện là cái chết của một người bạn, một người đã từng cùng lớp với họ, và cậu Müller chỉ chăm chăm thừa hưởng đôi ủng tốt của anh ta. Nếu đôi ủng còn có giá trị với Kemơrich thì có chết Müller cũng không nhòm ngó đến nó, Paul đã nói vậy. Nhưng Kemơrich bị cưa chân, với cậu ta đôi ủng cũng chỉ có trị giá ngang với một món tráng sức vô dụng thôi. Rõ ràng chiến tranh đã gạt ra khỏi những chàng trai trẻ này mọi tình cảm ủy mị và chỉ còn những suy nghĩ thiết thực còn tồn tại thôi. Nếu giữ lại trái tim ngây thơ của những đứa trẻ, có lẽ họ đã sớm nằm lại trên chiến trường như những chàng tân binh luôn chết đầu tiên trên mặt trận. Trong đầu họ không còn Goethe, không còn Schiller, không còn triết gia hay tác gia gì nữa, chỉ còn những hơi ngạt, trái phá, mìn, chỉ còn làm sao để sống sót. Họ là những người duy nhất hiểu điều gì đang xảy ra trên chiến trường, trên thực tế. Đồng thời, họ lại hoàn toàn không hiểu điều gì đang diễn ra, với họ, với cuộc đời, với cuộc chiến. Sống sót, đó là điều duy nhất còn ý nghĩa.

Và Remarque đã miêu tả Thế hệ bị mất (The lost generation) như thế đó, bằng những đoạn hội thoại về tương lai. Họ hoàn toàn lạc lối, những người trẻ ấy, không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu sau cuộc chiến. Paul đã lạc lõng trong suốt kì nghỉ phép. Vẫn là ngôi nhà, căn phòng và những cuốn sách, người cha, người mẹ, người chị, hàng xóm trước, nhưng cậu không thể tìm được sự thân thuộc. Đã trải qua cuộc chiến, giờ cuộc sống êm đềm thuở trước đối với cậu cũng chỉ là một cái gì xa xôi lắm, và hẳn là cậu sẽ không bao giờ trở về với nó được.

Nhưng Remarque vẫn là Remarque, ông đâu có để cho cái vô luân của chiến tranh tàn phá hết con người chứ. Thực vậy, tình bạn vẫn là một sự an ủi to lớn cho những chàng trai bị hủy hoại này. Paul đã lấy lại sức mạnh để bước tiếp khi nghe thấy tiếng đồng đội sau lưng mình. Cậu đã tìm mọi cách để ở lại với Albert, đã bất chấp tất cả để đưa Kropp về. Họ chia nhau từng mẩu thuốc lá, từng con ngỗng quay, họ cùng chịu đựng trận pháo kích liên hồi trong căn hầm kín bưng. Những chàng trai tuổi mới đôi mươi dựa vào nhau mà bước qua những ngày tháng điên cuồng trên chiến trường.

Bi kịch của người lính ở Thế chiến thứ nhất khác hẳn với Thế chiến thứ hai. Nếu trong Một thời để yêu và một thời để chết, Ernst quay về phép rồi tìm thấy quê hương tan tành vì đạn bom thì thành phố của Paul vẫn yên bình như ngày cậu ra đi. Chiến tranh chưa động đến nước Đức, và người ta vẫn được ru ngủ bởi những lời dối trá. Và những anh lính từ mặt trận về cũng không nỡ khuấy đảo sự bình yên vô tư ấy. Người ta nói về những lí tưởng không thể thực hiện, nhưng Paul quá mệt mỏi để phản bác nó. Cậu hiểu rằng người ta chỉ đơn giản là không hiểu, những người chưa từng ra mặt trận sao có thể hiểu về chiến tranh. Và cậu cảm thấy mừng, vị cuộc chiến diễn ra ở một nơi nào đó bên ngoài lãnh thổ Đức, và những ngôi làng, thành thị quê hương cậu vẫn được an toàn.

Phía Tây không có gì lạ kết thúc bằng cái chết của Paul, sau khi tin về ngày hòa bình đã được lặp đi lặp lại. Có lẽ một hiệp định đình chiến đã đến rất gần rồi, vào cái ngày mùa thu năm 1918 ấy. Nhưng cậu vẫn chết, “trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là Phía tây không có gì lạ”. Phi lí như chính bản thân cuộc chiến tranh.

0